Cách nhận bảo hiểm xã hội một lần?

cach-nhan-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan

Câu hỏi 1: Nội dung điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 là gì?
Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Câu hỏi 2: Nếu người lao động đóng BHXH đến tuổi hưu (nam 60, nữ 55) mà vẫn không đủ 20 năm BHXH thì tại sao không cho họ nhận trợ cấp BHXH 1 lần sau khi nghỉ làm 1 năm luôn?
Trường hợp này thì NLĐ cũng không được nhận trợ cấp BHXH 1 lần dù họ biết rằng nếu tham gia đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu họ vẫn không được nhận lương hưu vì tổng thời gian tham gia BHXH của họ không đủ 20 năm (rơi vào trường hợp những người tham gia BHXH trễ, người lớn tuổi mới bắt đầu đi làm công…)
Đó là lí do chính đáng để quốc hội lưu ý mà nên sửa đổi điều 60.
Câu hỏi 3: Tại sao người lao động không muốn tiếp tục tham gia BHXH để đủ điều kiện nhận lương hưu sau này?
Vì các lí do sau:
1. Họ không chắc mình sống hoặc có việc làm đến tuổi nghỉ hưu
2. Họ cần một số tiền để xoay sở việc quan trọng hoặc làm vốn để kinh doanh sản xuất riêng.
Câu hỏi 4: Tại sao NLĐ không chắc mình có việc làm đến tuổi nghỉ hưu?
Vì các lí do sau:
1. Hoạt động kinh doanh sản xuất luôn gặp thử thách và rủi ro, không nhiều doanh nghiệp tồn tại trên mười năm
2. DN có xu hướng tuyển người trẻ (từ 16 tuổi đến 35 tuổi) vào làm việc; một phần họ cho rằng người trẻ làm năng suất hơn; trả lương ít hơn; làm cho doanh nghiệp có sức sống hơn… Có nhiều DN biết rõ người xin việc giả mạo giấy tờ hoặc nhỏ hơn 18 tuổi nhưng vẫn nhận vào làm.
3. DN thường không ký hợp đồng dài hạn (3 năm) hoặc vô thời hạn với NLĐ; một phần họ trốn việc đóng BHXH, một phần họ coi thường NLĐ (“… anh không làm thì cứ nghỉ, không có anh thì có người khác thôi…”)
Câu hỏi 5: Có phải người lao động trẻ tuổi làm việc năng suất hơn người lao động lớn tuổi?
Không hoàn toàn và thường là không như vậy! Lí do được giải thích sau:
- NLĐ trẻ thường hay nhảy việc;
- NLĐ trẻ thường không xác định đâu là công việc lâu dài đúng sở thích hoặc chuyên môn của họ;
- NLĐ trẻ dễ bốc đồng, nhạy cảm; dễ tổn thường và thiếu kiên định: họ ít khi nhẫn nhịn và phục tùng người quản lý. Ý thức trách nhiệm còn hạn chế;
- NLĐ trẻ ham vui, thiếu chững chạc và nghiêm túc trong công việc: họ hay lơ là công việc, làm việc riêng, trêu đùa nhau trong giờ làm;
- NLĐ trẻ nhiều “tật xấu” hơn: hút thuốc, đi trễ, đố kỵ, đánh nhau…
Đó là những yếu điểm của người lao động trẻ khiến họ làm việc năng suất thấp hơn người có tuổi (từ 35 đến 55)
Câu hỏi 6: Phải chăng tất cả ngành nghề thì NLĐ lớn tuôỉ đều có năng suất cao hơn NLĐ trẻ tuổi.
Nếu phân loại các ngành nghề thì những ngành sau cho thấy NLĐ lớn tuổi làm việc tốt hơn NLĐ trẻ tuổi:
Ngành ít dùng sức: may mặc, chế biến, thuỷ sản, y tế, giáo dục…
Ngành tư duy, đòi hỏi kinh nghiệm: Chính trị, ngoại giao, luật, quản lý…
Những ngành yêu cầu sức khoẻ, sự nhanh nhẹn, tỉ mỉ, sáng tạo… thì người trẻ thường làm tốt hơn người lớn tuổi: giày da, đan lát, điện tử, xây dựng, cơ khí, thiết kế…
Câu hỏi 7: Phải làm sao để Điều 60 Luật BHXH 2014 đi vào thực tiễn?
Trước hết phải làm sao để người lao động an tâm mình sẽ “mãi là người lao động”. Nghĩa là NLĐ luôn được trọng dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi ngành nghề, mọi độ tuổi cho đến tuổi nghỉ hưu. Kế đến nhà nước cần có chiến lược tạo công ăn việc làm thường xuyên và bền vững cho người lao động. Khi đó NLĐ sẽ không sợ mất việc và họ xem việc tham gia BHXH liên tục đến tuổi hưu là quyền lợi của mình vì nhờ đó họ sẽ được chế độ an sinh tốt khi về già.
Tóm lại muốn tuyên truyền lợi ích của một chính sách nào đó thì nhà nước cần đảm bảo chính sách đó khả thi và hợp với nguyện vọng số đông của đối tượng được điều chỉnh.
Previous
Next Post »