4 vấn đề cần cân nhắc lại trước khi quyết định nghỉ việc

Có lẽ, không phải ai trong chúng ta cũng đều hài lòng với công việc hiện tại, đến một lúc nào đó bạn đạt đến độ “chín” nhất định trong một vị trí, nhu cầu nhảy việc trở thành một quyết định tất yếu để mở ra nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Nhưng quá trình nhảy việc đòi hỏi bạn phải có cái nhìn toàn cảnh về tình hình, cơ hội hiện tại và định hướng đúng đắn trong vị trí công việc sắp tới. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn lưu ý 4 điểm quan trọng cần cân nhắc trước khi nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty hiện tại.

> Cách vượt qua cú sốc tâm lý khi bị nhà tuyển dụng từ chối?
> 3 lý do khiến nhân viên lâu năm dứt áo ra đi
> 5 lời khuyên cho buổi phỏng vấn



1. Bạn nghỉ việc vì không hài lòng với công việc hiện tại?

Thật ra, có khá nhiều lý do giải thích cho vấn đề bạn không thật sự hài lòng với công việc hiện tại, từ áp lực doanh số, sếp thiếu kỹ năng quản lý, không hòa đồng với đồng nghiệp, bị nói xấu… Do đó, bạn cần phải xác định rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến quyết định nghỉ việc, nếu đó không phải là nguyên nhân liên quan đến công việc (bạn thiếu cơ hội phát triển, định hướng kinh doanh không phù hợp…) thì nghỉ việc có lẽ là một quyết định sáng suốt do nó ảnh hưởng khá lớn đến sự nghiệp của bạn sau này.

Tuy nhiên nếu vì lý do cá nhân khác như đã đề cập ở trên, bạn nên tìm ra hướng giải quyết vấn đề hơn là nghỉ ngang. Vì nếu tình trạng cũ lặp lại ở công ty mới, bạn vẫn sẽ nghỉ việc đúng không? Do đó, hãy cố gắng hòa hợp bản thân mình với môi trường hiện tại, người giỏi chính là người thích nghi tốt nhất, chứ không phải là người xuất sắc nhất trong một tập thể.

2. “Cỏ ở đồng bên xanh hơn”?

Liên tục tìm kiếm cơ hội phát triển cho mình là một định hướng tốt, tuy nhiên bạn cũng cần xem xét lại tính chất của công việc mới, liệu bạn có đang chỉ nhìn vào bề nổi hay không? Có rất nhiều nhân sự hiện tại sẵn sàng từ bỏ 2-3 năm làm việc tại một công ty ổn định để tìm kiếm một công việc mới lương cao hơn, đãi ngộ tốt hơn, thị trường rộng hơn, để rồi khi nghỉ việc mới “tá hỏa” rằng các khoản phúc lợi cộng thêm đó đi kèm với áp lực doanh số cực kì kinh khủng. Các đồng nghiệp cạnh tranh lẫn nhau để giành suất, cấp trên áp đặt mục tiêu kinh doanh và bạn phải “sống còn” để giữ được chiếc ghế hiện tại. Đó là nhiều mặt của vấn đề bạn cần xem xét, các ông chủ tập đoàn lớn với mức lương khủng đều là những người khôn ngoan, họ không trả thừa bạn bao giờ, mức lương cao mà bạn nhận được phải trả bằng rất nhiều thời gian và công sức để có được.

3. Công việc nào thực sự phù hợp với bạn?

Đừng bao giờ để bản thân bị động trong quá trình nhảy việc tìm việc làm mới, nếu bạn đã xác định nghỉ việc là cần thiết, bạn nên có một định hướng rõ ràng về công việc sắp tới của mình sẽ như thế nào. Cụ thể, bạn cần rất rõ các giá trị nào bản thân đang chú trọng: sức khỏe, lương và phúc lợi, cơ hội thăng tiến, sự ổn định lâu dài hay các mối quan hệ nói chung. Tuy nhiên, các giá trị này hầu hết đều xung khắc lẫn nhau, bạn sẽ không thể nào tìm được một môi trường mà hội tụ đủ các yếu tố như thế này cả. Ví dụ, một công việc với mức lương thưởng hấp dẫn sẽ lấy đi của bạn nhiều thời gian và sức khỏe, một công việc không nhiều áp lực sẽ giúp bạn có thêm thời gian và bớt căng thẳng, tuy nhiên lại không đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến và tiền tiết kiệm của bạn cao hơn.

4. Bạn đã có kỹ năng phù hợp với công việc mới chưa?

Hãy cân nhắc kỹ các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc phù hợp tại vị trí công việc mới, đặc biệt trong trường hợp bạn nhảy việc trái ngành và trái vị trí công tác. Rất nhiều nhân sự chỉ chăm chăm vào những công việc mình “muốn”, mà quên rằng nhà tuyển dụng cũng có quyền từ chối họ nếu năng lực không đáp ứng được nhu cầu. Và dù cho bạn có được tuyển đi chăng nữa, việc thiếu kỹ năng sẽ làm bạn chật vật trong thời gian đầu công tác, và việc phải nỗ lực hết mình để theo sát các đồng nghiệp mới, ở một môi trường mới, áp lực mới là điều không hề dễ chịu chút nào.

Quyết định nghỉ việc có thể mở ra cho bạn nhiều cơ hội phát triển mới trong tương lai, đặc biệt là trong thị trường ngày càng mở rộng như hiện nay, việc đầu quân cho các công ty lớn có thể là bước đệm đảm bảo cho sự nghiệp vững chắc sau này. Tuy nhiên bạn nên có cái nhìn bao quát về tình hình của mình hiện tại và những yêu cầu, mục tiêu và định hướng có thể đạt được tại công ty mới để đưa ra quyết định sáng suốt nhất nhé.


Previous
Next Post »